Mới nhất :
Recent Movies
Showing posts with label bài viết. Show all posts
Showing posts with label bài viết. Show all posts

TÂM SỰ VŨ LINH BẠCH PHIẾN? BỘ KHÙNG SAO ĐI BUÔN


TÂM SỰ VŨ LINH BẠCH PHIẾN? BỘ KHÙNG SAO ĐI BUÔN


TÔI ĐÃ TÌM NHÂN VẬT SƠN XÌ KE TRONG CHÍNH NHỮNG ĐỨA EM CỦA TÔI



Ma túy là một nỗi ám ảnh đối với Linh. Có một chuyện buồn mỗi lần nhớ tới trong lòng Linh lại cảm thấy day dứt. Ngày xưa Linh có mấy đứa em bạn dì nghiện ma túy và chết khi còn rất trẻ. Những đứa em của Linh rất dễ thương, có đứa có giọng ca rất khá. Linh đã nghĩ sẽ hướng nó đi theo nghề, Linh mãi miết theo đoàn đi lưu diễn. Bẵng đi một thời gian Linh không gặp và rồi Linh nghe nói chúng chơi ma túy. Linh về không thể nào nhận ra được những đứa em dễ thương của Linh ngày nào. Chúng làm khổ gia đình, tàn phá cả đời mình cũng vì ma túy. Dì Linh khổ vô cùng suốt ngày chỉ biết khóc. 

Nước mắt của dì cũng làm những đứa em của Linh nghĩ lại, có lúc cũng hối hận vào trường cai nghiện ma túy với quyết tâm sẽ bỏ. Nhưng đã nghiện ma túy rồi thì thật khó bỏ. Nhìn cái cây mình trồng rũ héo chết dần đã thấy buồn rồi. Chứng kiến một con người, người thân của mình đốt cả tương lai, hạnh phúc đời mình, hạnh phúc gia đình qua khói thuốc trắng ấy, Linh không thể nào chịu nổi. Những lần vào thăm em Linh ở trại cai nghiện, thấy nó lên cơn nghiện vật vã đau đớn mà mình cảm thấy đau lòng bất lực. Có những cái chết đã thấy trước thế mà vẫn cứ lao vào.

-     Bây giờ tôi mới hiểu được tại sao anh diễn vai Sơn trong “ Giũ ái bụi đời” lại thành công đến thế. Thành công đến nỗi có người đã nghĩ ắt hẳn Vũ Linh đã từng hút xì ke? Anh đi tìm nhân vật Sơn “xì ke” như thế nào? Có phải trong Sơn có bóng dáng của những đứa em của Linh?






-    Nếu nghĩ là Vũ Linh đã từng hút xì ke nên vào vai Sơn mới thật như thế, thì có lẽ tác giả Trương Quốc Khánh viết thành công cũng là người … nghiện nặng mất. (Vũ Linh cười và rồi gương mặt anh lại trầm tư). Tôi đã đi tìm nhân vật Sơn không phải ở đâu xa mà ở chính những đứa em của tôi. Thể hiện một nỗi đau mình đã trải qua vừa dễ vừa khó. Mới đọc kịch bản, Linh đã rất xúc động. Linh lên trại cai nghiện thăm đứa em, cũng để quan sát người nghiện xì ke thái độ, dáng đi, cử chỉ những lúc lên cơn ghiền như thế nào. Thâm nhập vào thế giới của những người nghiện xì ke mới thấy họ vừa đáng trách vừa đáng thương. Linh nhớ hoài cái giọng nói run lẩy bẩy thảng thốt của đứa em Linh khi thấy Linh hỏi thăm nó về cách hút ra sao: “ Anh… anh đừng bao giờ giống như em, em có lỗi với má nhiều lắm”. Và nó ôm lấy Linh khóc như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt đầy hối hận, nỗi đau tuyệt vọng trong ánh mắt của nó đã đi vào trong nhân vật Sơn của Linh như nỗi đau của chính Linh. Trong suốt gần tháng trời, chiều chiều Linh hay ra bến Bạch Đằng ngồi lặng lẽ nhìn những hút ma túy. Có rất nhiều những gương mặt rất trẻ còn búng ra sữa nhợt nhạt vì hút. Linh nhìn cảnh tượng ấy mà cảm thấy rất đỗi đau lòng. Tại sao không có cách hữu hiệu nào bài trừ được tệ nạn má túy đang lan tràn như một hiểm họa? Nhân vật Sơn của Linh đã bắt đầu thành hình ngay từ những ngày lang thang đó. Chưa có vai diễn nào của Linh chứa vị đắng day dứt như vai Sơn. Diễn vai Sơn, Linh lại cầu mong giá như có phép lạ nào để em Linh, để những bạn trẻ cũng như Sơn từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời. Nhưng sân khấu vẫn chỉ là ước mơ đẹp của đời thôi…
     Hơn mười năm trước Sơn của Vũ Linh đã gây xao động trong lòng khán giả thành phố. Nếu không nói là Sơn đã đưa Vũ Linh lên đài danh vọng khi anh mới chân ướt chân ráo về thành phố. Thời gian đã lùi xa, Vũ Linh đã có nhiều vai diễn đáng nhớ hơn. Nhưng tôi vẫn nhớ chất lửa cuốn hút của Vũ Linh trong vai Sơn. Cái chất lửa buổi đầu dù chưa tỏa sáng như bây giờ nhưng nó vẫn lung linh ở một vẻ đẹp trong sáng đáng yêu.







Tôi hỏi Vũ Linh có buồn không khi người ta đồn anh đi buôn ma túy, có người còn đồn anh đi hút cả heroine? Vũ Linh chỉ cười nói đùa: “ Linh đâu có gan liều lĩnh bán cả cuộc đời mình vì ma túy. Linh cũng chưa thử hút bao giờ nên không biết được sức quyến rũ của ma túy ghê gớm như thế nào. Chỉ thấy một điếu thuốc lá đã khó bỏ thì sức hấp dẫn ghê gớm của ma túy lại càng khó để chống cưỡng lại được, tốt hơn hết nên tránh xa.”

Tin đồn vẫn cứ gây xôn xao. Nghệ sĩ đôi khi thật khổ vì những nguồn dư luận thất thiệt. Đâu chỉ có nghệ sĩ khổ vì dư luận đồn đại mà ngay cả những khán giả yêu mến nghệ sĩ cũng rất hoang mang lo lắng trước những nguồn tin thất thiệt. Tôi nhớ đến giọng nói hoảng hốt trong điện thoại của một cô giáo trẻ ở Cà Mau gọi về tòa soạn để hỏi thực hư tin đồn về Vũ Linh như thế nào. Chị đang dạy ở vùng sâu, nghe người bạn nói Vũ Linh đi buôn ma túy bị bắt mà chị nửa tin nửa ngờ, lòng hoang mang lo lắng tức tốc lên thị xã để gọi điện thoại hỏi cho ra lẽ. Trên đường đi chị thầm vái trời chuyện đó không có thực. Khi tôi cam đoan chắc với chị: Vũ Linh không hề đi buôn ma túy, hiện tại anh vẫn xuống tỉnh hát và đi quay video, chị mừng quá đỗi cảm ơn tôi rối rít. Quả là tình cảm của khán giả dành cho Vũ Linh không bút nào tả xiết.

Vũ Linh – đứa con cưng của sân khấu cải lương đâu thể nào dễ dàng đánh đuổi tên tuổi của mình dù bất cứ giá nào. Đi buôn ma túy ư? Lại càng không thể!










TI TI YẾN





{[['']]}

News_GẶP GỠ ANH VIẾT CƯỜNG "LANG QUÂN" CỦA TÀI LINH


GẶP GỠ ANH VIẾT CƯỜNG 

"LANG QUÂN" CỦA TÀI LINH




Thuở nhỏ, tôi thường nghe các cụ kể rằng các cô đào hát thường hay lận đận, lao đao về đưởng tình duyền vì đêm đêm họ cứ soi gương, trang điểm nên bị quở (?). Đây là một lý lẽ mang đầy chất duy tâm không có cơ sở thực tiễn: vì hạnh phúc lứa đôi phải được vun đắp từ bằng tình yêu chứ nào phải do "một đấng" nào đó quở trách hay khen thưởng ? Thực tế cho thấy có rất nhiều đôi vợ chồng nghệ sĩ rất hạnh phúc như : Hoàng Giang- Kim Giác, Hữu Cảnh - Xuân Yến, Thanh Điền - Thanh Kim Huệ . ... Vậy còn những đôi vợ chồng mà chỉ có vợ là nghệ sĩ - lại là nghệ sĩ nổi tiếng thì sao? Họ có bí quyết gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình ? Đem những điều thắc mắc đó tôi hỏi anh Viết Cường - Chồng nữ nghệ sĩ Tài Linh - vì ai cũng biết vợ chồng anh sống rất hạnh phúc và chị cũng được anh cưng như "trứng mỏng".

VC: Thật ra không có "bí quyết" gì hết trong đời sống vợ chộng Tôi nghĩ đôi vợ chồng nào cũng đạt được hạnh phúc như chúng tôi.

PV: Nhưng chị là nghệ sĩ nổi tiếng anh không thấy "lép vế" sao?


VC: Tài Linh lúc nào cũng tính tình như vậy, rất giản dị từ khi chưa đi hát cho đến lúc nổi danh. Đồng ý là bây giờ tôi không có làm chuyện gì để nổi tiếng bằng Tài Linh, nhưng tôi không cảm thấy bị "lép vế" vì chúng tôi cưới nhau từ lúc hai đứa chưa có gì . Hơn nữa chúng tôi rất tôn trọng và hiểu nhau. Tôi nghĩ như vậy và Linh cũng nghĩ thế.



PV: Thấy vợ đóng mùi mẫn với những chàng kép đẹp anh có thấy khó chịu không?


VC: Không. Thật tình tôi không bao giờ ghen. Còn chuyện Tài Linh có tỏ ra mùi mẫn là do vai diễn đòi hỏi phải vậy. Tôi nhận định rất rõ sự khác nhau giữa sân khấu và đời sống. Linh là nghệ sĩ thì nghề nghiệp bắt buộc phải hoá thân vào nhân vật cho trọn vai tuồng.



PV: Anh có nhận xét thế nào khi người ta nói rằng "ghen chưa hẳn là do yêu, nhưng hễ yêu là tất có ghen" ?


VC: ( hơi ngỡ ngàng vì bị "bắt bí" nhưng rồi anh bật cười ). Có ghen chứ! Nhưng chưa thực hành bao giờ. Hai đứa sống với nhau gần 18 năm và rất hiểu tính nhau. Với lại Linh chưa làm điều gì khiến tôi phải ghen.


PV: Thông thường người có tài hay lắm tật. Câu này có đúng với chị Linh không?


VC: Linh có tật hay "sắm tuồng " chậm trễ. Nhưng Linh cũng có lý do là phải trang điểm thật kĩ để biểu diễn cho biết bao người xem nên không thể làm ẩu được. Trong cuộc sống đời thường thì cũng có lúc .........vậy đó, nhưng cũng là những cái không đánh kể . Tôi cũng không để ý tới những chuyện vụn vặt đó và cũng thấy rằng nó không đáng nói ra.


PV: Theo anh chị Linh là người hoàn hảo?


VC: ( cười ) Không dám nói như vậy, việc đó tùy người khác nhận xét . Nhưng theo tôi thì gần như vậy.


PV: Anh có "nịnh" vợ quá không?


VC: Không, tôi nói rất thật ( cười hóm hỉnh ). Mà nếu như có "nịnh" vợ mình thì cũng không sao, phải không?
Tôi cũng bật cười với lời "ngụy biện" nhưng rất chân thành của anh. Cứ thấy anh nôn nóng nhìn vào điện thoại, tôi hỏi, anh cho biết là đang chờ điện thoại của chị Linh và chị đang quay video ở Vủng Tàu.
PV: Chị Linh cứ đi lưu diễn, quay phim ..... vắng nhà hoài, có khi nào anh nghĩ chị đã dành quá ít thời gian cho chồng, con - hay nói thẳng ra là hơi thiếu bổn phận trong gia đình.


VC: Tại vì người nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian cho khán giả. Tôi cũng đã từng đi với Linh ở các đoàn tỉnh nên hiểu rất rõ cuộc sống của người nghệ sĩ. Mỗi khi đi lưu diễn quay phim ..... Linh thường xuyên gọi điện về để thăm hỏi . Khi về đến nhà, Linh là một người vợ, người mẹ rất tốt. Vả lại, lúc này cu Bi đã lớn rồi, tuy có ham chơi chút đỉnh nhưng chũng biết nghe lời.


PV: Anh có vai trò như thế nào trong hoạt động nghề nghiệp của chị Linh?


VC: Tôi rất tôn trọng nghề nghiệp của Linh và Linh rất tôn trọng tôi. Linh thường hay tâm sự cũng như hỏi ý kiến về hoạt động nghệ thuật với tôi. Hiện tại Linh không còn hoạt động ở sân khấu sàn diễn mà chủ yếu là quay audio, quay video va hát show. Tình hình bây giờ kịch bản, vai diễn hầu hết không có gì đáng nói, nên hai đứa ráng chọn những vai "đàng hoàng ", đừng quá lố hoặc hài quá lố. Linh chọn vai rất kĩ rồi hỏi qua ý kiến của tôi, còn tôi chủ yếu là góp ý về trang phục vở diễn.


PV: Anh chị hâm nóng tình yêu như thế nào và giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng ra sao?


VC: Trong đời sống vợ chồng tất nhiên là không tránh khỏi những xung đột nhỏ nhưng với chúng tôi đó là những chuyện không đáng gì như cãi lộn qua lại . Cãi xong rồi hết chứ không có chuyện gì quá mức trở thành "vấn đề" cả . Sau đó hai đứa tự động làm hoà với nhau. Còn hâm nóng tình yêu thì ( cười cười ). Chúng tôi có rất ít thời gian bên nhau, công việc tất bật quá . Thỉnh thoảng có một ngày nghỉ , hai vợ chồng dẫn thằng nhỏ đi ăn hoặc hai cha con ở nhà thưởng thức tài nội trợ của Linh ( anh lại cười nói nhỏ ). Tôi nói quá không thôi lại cho là nịnh bà xã.



PV: Nãy giờ nghe anh nói tôi tưởng chừng như anh chị quan niệm hạnh phúc rất đơn giản và rất hài lòng về nhau?

VC: Vâng chúng tôi lựa chọn nhau từ lúc còn đi học . Hai đứa đến vớ nhau là do sự tình nguyện. Thời gian làm cho người ta chính chắn hơn, nhất là khi có con thì càng thấy rõ ý thức hơn trách nhiệm của mình. Từ đó hiểu thêm về sự sai quấy mà bổ sung cho nhau . Điều này trong đời sống vợ chồng ai cũng có thể làm được nếu đừng "đứng núi này trông núi nọ" mà đổi thay.


PV: Nếu có một ngày nào đó mà chị Linh .......


VC: Cái đó thì tôi không biết được, nhưng hiện tại thì Linh không có gì cả, tôi tin như vậy sẽ là mãi mãi. Vì hai đứa sống với nhau 18 năm rồi từ lúc chưa có cái gì, con cái cũng đã lớn mà Linh là người rất có ý thức trách nhiệm.
Tôi định hỏi xem anh có anh có bằng lòng về hiện tại và về vợ mình không, nhưng nhìn ánh mắt sáng ngời tin tưởng và giọng nói trìu mến mỗi khi anh nhắc đến vợ - tôi nghĩ chắc chắn là mình sẽ hỏi một câu quá thừa ....


Tôi tạm biệt ra về. Ngoài đường, trời quang mây tạnh nhưng mọi người hối hả đi tránh mưa chỉ vì thời tiết vu vơ. Tôi tự nghĩ: Tại sao người ta quan trọng hoá và luôn lo sợ về những yếu tố khách quan vu vơ không định hình; trong khi đó ít ai chịu hạ cái tôi để ngăn chặn những cơn bão trong lòng? Và đó có phải là nguyên nhân gây ra sự tan vỡ cũng như bất hạnh trong cuộc sống?

Tuyết Châu_Báo Sân Khấu
{[['']]}

BUỒN VUI ĐỜI NGHỆ SĨ Biển sóng, biển sóng đừng... xô tui...!

NGƯỜI CHỒNG BỘI BẠC

Biển sóng, biển sóng đừng... xô tui...!




Từ khi video cải lương được hình thành, tên tuổi của NS Vũ Linh càng thêm rực sáng và được nhiều khán giả ái mộ, cũng như được nhiều hãng băng săn đón. Khó có thể nhớ hết Vũ Linh đã đóng bao nhiêu vở video, nhưng “mẫu số chung” ấn tượng anh để lại trong lòng khán giả luôn là những vai kép mùi, kép đẹp, kép võ… qua các nhân vật chính diện, được khán giả đồng cảm và thương yêu. 

Do đó NS Vũ Linh đã tạo… “cú sốc” cho khán giả khi anh nhận vai chánh trong “Người chồng bội bạc”. Và cũng trong vai ác đầu tiên ở vở video này đã để lại cho Vũ Linh kỷ niệm… nhớ đời!
vũ linh tài linh


Vì mê đắm một cô gái, người chồng (Vũ Linh) lập mưu giết chết vợ mình (Tài Linh) bằng cách nhận nước cho vợ chết chìm trong một chuyến du lịch, tắm biển ở Vũng Tàu. Do … mắc cỡ khi phải bận đồ tắm, nên NS Tài Linh đã đề nghị cảnh tắm biển được thực hiện vào ban đêm thay thế cho ban ngày như dự kiến. tuy Tài Linh có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng Vũ Linh cũng … “mình hạc xương mai” không kém. Vì vậy, vất vả lắm anh mới bế được Tài Linh xuống biển (theo kịch bản). Không may cho anh là đêm đó biển động sóng lớn, anh vừa ẫm Tài Linh xuống biển là đã bị sóng “đánh”. Sóng hất hai người văng chúi nhủi sang hai phía. Cảnh quay không đạt yêu cầu, phải quay đi quay lại nhiều lần. Và sau mỗi lần quay bị hỏng đó, cả hai phải đi sấy tóc, hong khô quần áo để quay lại từ đầu trong cái lạnh giá đến buốt người. Đến khi tròn cảnh quay thì NS Vũ Linh cũng … phờ phạc vì đuối sức. Vừa đánh “bò cạp”, anh vừa than “Sóng đâu mà sóng lắm thế! Ai nói làm kẻ chung tình khó hươn làm người bội bạc? Cứ nhìn tui bây giờ thì biết…”

Khi xem vở diễn này, nhiều khán giả đã… bất mãn khi thấy thần tượng của mình thay đổi “e” diễn (một thái độ vô lý nhưng lại cũng rất … hợp lý và… dễ thương của khán giả!), nhưng đâu biết rằng vì nó mà các diễn viên phải lao động cực khổ hơn.
vũ linh tài linh
Trong nghệ thuật sợ nhất là sự trùng lắp sáo mòn, nên đôi lúc người nghệ sĩ phải tìm cho mình một lối diễn mới để tạo niềm hưng phấn mới lạ trong nghề nghiệp. và có những cuộc thử sức mới lạ đã gây không ít trở ngại, sự cố cho diễn viên mà nỗi “đoạn trường” này “ai có qua cầu mới hay”!

T.C
{[['']]}

VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP (P3)


VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO

Vũ Linh trong mắt đồng nghiệp

Ký giả báo SKTPHCM

Không ai có thể phủ nhận một tài năng sáng chói như vậy. Vai Nguyễn Địa Lô là một bất ngờ về khả năng tiềm ẩn của chàng diễn viên chuyên đóng vai kép đẹp.


Một vai lão hết sức độc đáo, đầy ấn tượng. Một tính cách đẹp đầy ắp nội lực thuyết phục người xem trong từng động tác. Nếu chọn diễn viên có vai diễn xuất sắc nhất trong cuộc thi năm nay theo tôi chỉ có Vũ Linh. Tuy so với một Vũ Linh tài hoa, các cô đào chưa thể sánh ngang tầm, nhưng họ cũng là những nghệ sĩ có tài thật sự. Họ sàn sàn nhau về tài năng, sắc vóc.
VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO




Ký giả Việt Nga (báo Phụ Nữ TP)



Vũ Linh là một diễn viên diễn tả tính cách rất đa dạng khá chuẩn xác trong vũ đạo. Nét diễn rất tinh tế. Đặc biệt trong trích đoạn "Bức Ngôn Đồ Đại Việt" Vũ Linh đã dám từ bỏ các loại vai vốn là sở trường của anh để thể hiện một vai lão ngoài 80 tuổi. Trong vai này người xem thấy không phải là sự bắt chước nhân dạng mà anh diễn trong từng cơ mặt, ánh mắt. Những tác động ngoại hình đều thoát lên sự vững vàng, tự tại. Những chuyển biến rất nhuyễn giữa lời ca và hành động nhân vật, khán giả thấy ngay đây là một diễn viên biết tiết chế nhịp nhàng sao cho từng sắc thái, từng hành động, từng bước vũ đạo kết hợp chặt với lời ca. Tuy có hạn chế ít nhiều về sắc vóc, nhưng Vũ Linh vẫn làm cho người xem thích thú với vai một lão ông khá đường bệ.
VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO





Ký giả Cát Vũ (báo Lao Động)



Tuy sắc vóc không được cao lớn song bù lại anh có giọng ca rất diễn cảm mượt mà. Trong trích đoạn dự thi, vóc dáng lại phù hợp với vai diễn một lão ông. Vũ Linh đã chứng tỏ được nội lực mạnh mẽ trong vai này, anh đã nổi bật vì thể hiện được tài diễn không phải bằng ngoại hình của một anh kép đẹp như nhiều người vẫn nghĩ về anh trước đây.



VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO


Ký giả Trần Thị Yến (báo SKTP)

Tôi đã từng nghĩ đêm phát giải Trần Hữu Trang năm 1991 là đêm thăng hoa tột đỉnh tài nghệ của Vũ Linh. Những năm sau đó, tưởng chừng cuộc sống bận rộn đã lôi cuốn Vũ Linh đi, khán giả không còn gặp lại những vai diễn đẹp một thời của Vũ Linh như vai Sơn xì ke (Giũ Áo Bụi Đời), Vĩnh (Hòn Vọng Phu)... Nhưng cái đêm thi tài vai diễn xuất sắc giải Trần Hữu Trang vừa qua, Vũ Linh trong vai Nguyễn Địa Lô trong bức trích đoạn "Bức Ngôn Đồ Địa Việt" đã đem lại cho khán giả những cảm xúc nghệ thuật thật tuyệt vời. Như thể anh đã diễn bằng tất cả cảm xúc đè nén từ bao lâu nay, và không phụ lòng những khán giả hâm mộ anh.




Ký giả Trần Bạch Tuyết (báo Phụ Nữ TP)

Tuy trích đoạn "Vũ Áo Bụi Đời" đã quá quen thuộc, tham gia chào mừng khán giả chẳng đem lại sự mới mẻ, bất ngờ cho khán giả, nhưng với trích đọan khá xuất sắc tham dự giải Trần Hữu Trang "Bức Ngôn Đồ Đại Việt" đã khẳng định thêm khả năng đa dạng của Vũ Linh về cải lương đề tài xã hội và tuồng cổ. Vai diễn tham dự giải đã chinh phục người xem bởi vũ đạo đẹp, nét diễn khá sắc sảo, tinh tế và sự nồng nhiệt trong lối diễn, giọng ca. Nếu đòi hỏi cao hơn ở Vũ Linh thì dường như vai diễn còn hơi ồn ã, còn thiếu sự lắng đọng, tĩnh lại của nội tâm nhân vật.
VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO


Ký giả báo SKTP

Chính vốn nghề, nhất là diễn xuất đã đưa Vũ Linh lên cao hơn. Anh có thời gian học nghề dài, đi nhiều đoàn, gặp gỡ và kiên nhẫn học nhiều thầy, đồng nghiệp. Anh có cơ hội âm thầm xoay trở, đụng chạm, thử nghề với nhiều loại vai, nhiều tuồng tích. Nhờ sự thông minh nên anh tạo cho mình một vốn tích lũy nghệ thuật khá vững.


Nhờ vào diễn xuất linh hoạt, tinh tế, biết vận dụng sở trường đã làm nên sức hấp dẫn của Vũ Linh. Nhất là Vũ Linh không tỏ ra lười biếng trong cách ca diễn. Anh luôn luôn hết mình với vai diễn để nó có đủ sức thu hút. Không chỉ các vai tuồng cổ mà các vai trong các vở xã hội Vũ Linh cũng diễn rất tốt. Điều đó chứng tỏ anh có một tài năng đa dạng.
VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO



Ký giả báo SKTP

Vũ Linh thành công trên sân khấu cải lương tuồng cổ chính nhờ sự kết hợp điêu luyện giữa bài bản cải lương và bài bản tuồng cổ. Giọng ca của Vũ Linh rất độc đáo, là một giọng ca tốt, tròn vành, rõ chữ.
VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO

Tuy không hẳn là một vóc dáng lý tưởng nhưng Vũ Linh rất sáng sân khấu nhờ sự kết hợp ca diễn đã hổ trợ cho anh rất nhiều.


Ký giả báo SKTP

Vũ Linh là một diễn viên trẻ, hát hay, diễn giỏi, sáng sân khấu. Anh còn có một nét duyên dáng sân khấu đặc biệt kỳ lạ so với các nam diễn viên khác.



Ở Vũ Linh còn có một điểm hầu như rất hiếm có nghệ sĩ nào đạt được: đó là cái "thần" trong diễn xuất. Nhiều nữ diễn viên đóng cặp với anh đã nhận xét, anh có một nhạy cảm đặc biệt, luôn khơi ngợi ở người bạn diễn những cảm xúc dễ dàng đạt đến thành công về mặt diễn xuất. Trước đây khi xem Vũ Linh diễn, đôi lúc anh đã gây cho tôi cái cảm giác như anh đã để hết tâm sức vào cuộc đời nhân vật. Anh biểu diễn nhiệt tình đến mức người ta người ta có thể nghĩ rằng anh biểu diễn đêm nay là đêm "cuối"...

VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO

Dù được đông đảo khán giả say mê một cách cuồng nhiệt, nhưng không phải Vũ Linh không có nhược điểm. Khi nhanh chóng nổi lên như một ngôi sao mới thì Vũ Linh cũng bắt đầu thể hiện sự thiếu nghiêm túc trong diễn xuất…



Tuy nhiên Vũ Linh là một người cầu tiến, sớm nhận ra sai lầm mà khắc phục



Ký giả báo SKTP



Vũ Linh đang là nghệ sĩ được mến mộ nhất. Điểm nổi bật đầu tiên ở anh là lòng yêu nghề, thái độ nghiêm túc đối với nghệ thuật. Mỗi khi tập tuồng anh đều có mặt đúng giờ, tận tình chỉ bảo, góp ý cho các bạn đồng nghiệp.



Những điều quý nhất, xứng đáng nhất ở Vũ Linh là anh sống hết mình với vai. Chính nhờ ưu điểm đó, các nữ diễn viên đóng chung với anh đều được nâng lên. Trong tất cả các diễn viên nam trẻ hiện nay, không ai có thể so sánh với Vũ Linh về diễn xuất và về hiệu quả của mỗi vai diễn cũng như sự tác động của anh đến bạn diễn. Một khuyết điểm duy nhất của anh là đôi khi hay cương ẩu!
VŨ LINH TRONG MẮT NHÀ BÁO


{[['']]}

VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP (P2)


VŨ LINH TRONG MẮT CÁC CÔ ĐÀO (P2)

Tài năng của Vũ Linh ai cũng biết đến. Anh là một nam diễn viên luôn dành được nhiều sự ưu ái và ngưỡng mộ của khán giả yêu mến sân khấu cải lương. Thế còn với những bạn diễn trên sân khấu thì sao? Chúng ta hãy nghe nhận xét của một số nữ nghệ sỹ...



VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP

NSƯT NGỌC HUYỀN :VŨ LINH LUÔN LÀ NGƯỜI ANH TINH THẦN CỦA HUYỀN

VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP

Không ai hiểu mình hơn người sống gần gũi với mình. Trong nghề nghiệp cũng vậy, Huyền làm việc chung với anh Linh, sống gần hiểu nhau nhiều, Huyền càng quý mến anh Linh nhiều hơn. Huyền luôn xem anh Linh như một người anh tinh thần của Huyền. Những lúc gặp sóng gió trong cuộc sống riêng, Huyền đều kể với anh Linh. Thấy Huyền khóc, buồn không làm việc được, ảnh giáo huấn cho Huyền một hồi lâu.

Ảnh nói một câu làm Huyền nhớ hoài: "Không phải chỉ có vậy mà em gục ngã. Em sống phải có bản lĩnh chớ. Không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ đến gia đình, đến khán giả yêu thương em." Rồi ảnh kể những chuyện buồn của ảnh cho Huyền nghe - chuyện đời, chuyện tình yêu, cả những thất bại trong tình yêu. Ảnh kể để Huyền quên chuyện buồn của mình và cũng để Huyền rút ra được bài học nào đó. Tính anh Linh rất tình cảm mà cũng rất cương quyết, ảnh muốn kéo Huyền ra khỏi cái tâm trạng buồn bã trong lúc ấy. Thế là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, anh Linh cùng Huyền đi xuống miền Tây hát tăng cường cho đoàn tiếng hát Vương Linh. Anh Linh muốn Huyền lao vào công việc quên nỗi buồn, lo cho tương lai sự nghiệp. Quả là chuyến đi đã làm Huyền lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Huyền rất cảm ơn anh Linh đã tạo cho Huyền nguồn an ủi trong những lúc lòng mình chông chênh, bất ổn.


Huyền quý trọng nhất tính cách đạo đức nghề nghiệp của anh Linh. Tài năng, sự thông minh nhạy bén sân khấu của anh đã làm Huyền ngưỡng mộ rồi nhưng cái đáng quý là anh luôn sống có tình nghĩa, có trước có sau. Anh luôn là một người anh Hai lo lắng, thương yêu những đứa em trong nghề mà anh đã nhận làm em như Huyền, Thanh Hằng, Thoại Mỹ, Thanh Ngân...


VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP

Nghệ sĩ vốn đa cảm, đôi khi tình cảm và nghề nghiệp không tách bạch nhau được. Cũng có lúc anh Linh giận Huyền, hiểu lầm Huyền. Nhưng tánh Huyền thẳng thắn, Huyền đã gọi điện phân bài với ảnh và sau đó ảnh đã hiểu Huyền. Từ lần đó Huyền tin rằng không có sự hiểu lầm nào xen vào tình cảm anh em giữa Huyền và anh Linh.

Còn điều gì ở anh Linh làm Huyền ghét nhất ư? Thật khó trả lời quá. Tất nhiên mỗi người một cá tánh. Đã thuộc về bản tánh thì khó thể thay đổi. Ai cũng thế thôi, cái tôi của mỗi người vừa là mãnh lực cũng vừa là nhược điểm. Đôi lúc, chỉ đôi lúc thôi, anh Linh làm Huyền cảm thấy hơi khó gần, phải chăng tại ảnh là Vũ Linh?

Huyền nghĩ cảm nhận về một con người có khi cả đời chưa hiểu hết được. Vài lời chưa thể nói lên được chân dung của một con người, huống chi chân dung của Vũ Linh - thần tượng của bao khán giả và cũng là một người Huyền luôn ngưỡng mộ, quý trọng. Đầu xuân Huyền muốn gởi đến anh Linh với lời chúc xuân chân thành - một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc, vạn sự như ý sẽ đến với anh Linh.


NS THOẠI MỸ: NHỮNG LÚC BUỒN THOẠI MỸ THƯỜNG TÂM SỰ VỚI ANH LINH


VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆPAnh Linh có hoàn cảnh tương tự như em, không còn mẹ, phải tự lập sớm. Anh hay nói: Ngày Linh vinh quang, mẹ lại không còn. Có lẽ vì thế anh Linh sống rất tình cảm, có khi những chuyện nhỏ thôi cũng làm ảnh buồn bã cả buổi.Ảnh luôn quan tâm đến tụi em, không phải chỉ trên sân khấu mà cả trong cuộc sống đời thường. Có những chuyện buồn trong tình cảm vợ chồng em giấu không cho ai biết, nhưng nhìn nét mặt em ảnh cũng đoán được. Nghe em tâm sự, anh Linh khuyên em: "Tìm được hạnh phúc khó lắm, nghệ sĩ lại càng khó. Nhiều người lận đận cả đời. Em đã có được hạnh phúc ráng giữ lấy. Nếu chuyện có thể bỏ qua được, em hãy tha thứ"...Lần em đi lưu diễn ở Đức cùng anh Linh và nhiều nghệ sĩ, trời ở Đức lạnh quá, em lại bị mệt vì bệnh tim, buổi tối lại phải diễn. Thấy mặt em tái mét, anh Linh cũng đang bệnh nhưng lo lắng cho em không nghĩ gì đến mình.

Tánh anh Linh nhiều lúc hồn nhiên như trẻ thơ, nói chơi như nói thiệt, thích trêu chọc cho người khác đến phải khóc lên mới thôi. Hồi em ở đoàn Huỳnh Long, anh Linh nói chơi một chuyện làm em tưởng thật, khóc nức nở. Thấy em khóc anh chỉ cười. Tánh anh Linh là thế, chẳng giận ảnh lâu được.

Trong lòng em, em luôn xem anh Linh như một người thầy, một người anh - em rất quý mến.


NS THANH NGÂN: BẤT CỨ CÔ ĐÀO TRẺ NÀO DIỄN CHUNG VỚI VŨ LINH, NGHỀ CŨNG TIẾN BỘ HƠN


Thanh Ngân cho rằng mình rất may mắn khi được diễn chung với anh Vũ Linh. Lần đâud tiên đóng chung với anh Linh trong vở "Bẽ Bàng", Thanh Ngân lo lắng đến mất ngủ. Khi quay vở, những lớp cao trào, tâm trí Thanh Ngân căng thẳng như lên dây đàn. Một phần lo diễn không tròn vai, phần khác lo diến không "rơ" với anh Linh làm ảnh giận. Thanh Ngân chỉ sợ thế thôi. Diễn chung với anh Vũ Linh rồi, Thanh Ngân mới cảm nhận rõ được một điều: Anh Vũ Linh muốn hướng cho Ngân vươn tới một tầm cao hơn chính mình.
VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP

Tôi(nhà báo) hỏi Thanh Ngân:

- Hỏi thật Thanh Ngân nhé, Ngân sợ Vũ Linh vì cái tên Vũ Linh hay vì không muốn làm mất lòng Vũ Linh?

- Anh Linh rất thương những diễn viên trẻ như em. Em diễn có gì anh Linh thấy chưa được, ảnh chỉ dạy liền, mà thường thì ảnh chê em nhiều chớ khen thì chưa có. Em nghĩ không phải riêng với em mà với bất kỳ cô đào trẻ nào có dịp diễn chung với anh Linh cũng đều được anh Linh chỉ dẫn tận tình, học hỏi được nhiều điều, nghề sẽ tiến bộ hơn.
Đúng là em vừa quý vừa sợ anh Linh. Đó là nỗi sợ của một đứa em trước một người anh luôn nghiêm khắc với mình. Mà tính anh Linh lạ lắm chị ơi! lúc nghiêm nghị, có lúc anh rất vui vẻ dễ tính, thường hay pha trò. Nhớ lúc quay cảnh vở "Duyên Kiếp", em mơ ngủ thế nào bước chân xuống thuyền lại hụt chân té nhào xuống sông, may mà nước sông không cao. Ảnh đứng trên bờ vừa lo lắng, vừa la em: "Em bê bối quá, nghĩ sao mà bước lộn xuống sông?". Lần quay vở video "Duyên Kiếp", em đóng vai Huệ, người yêu của Thân(anh Linh đóng), đạo diễn quay cảnh Huệ và Thân nhổ mạ. Em lấy khăn chậm mồ hôi trên mặt anh Linh. Ống kính vẫn quay, anh Linh ghé vào tai em nói nhỏ y như hai người đang tình tứ, kỳ thực anh bảo em: "Thằng Đáng đứng trên bờ ruộng đang nhìn kìa."

NS THANH HẰNG: VŨ LINH TỪNG KHÓC MỘT MÌNH ...


Trong những nam nghệ sĩ đã diễn chung với Hằng, Hằng thương anh Linh nhiều nhất. Hằng đã sống với anh Linh từ cái hồi anh Linh còn ở dưới tỉnh làm bầu đoàn Lâm Đồng. Hằng nhớ những đêm mưa gió tạt ướt hết rạp, đoàn phải nghỉ hát. Hai anh em đốt đèn dầu, ngồi tỉ tê tâm sự tới hai giờ sáng. Anh Linh coi vậy chớ da cảm lắm. Hồi ở dưới tỉnh, có những lần Hằng bắt gặp "ổng" nằm ôm gối khóc một mình, "ổng" khóc thúc thích như con nít vậy. Hằng đến gần, anh Linh cũng không hay. Hằng ngồi bên an ủi, anh Linh mới kể cho Hằng nghe sự tình. Cũng vì anh buồn chuyện gia đình thôi. 

Cho đến bây giờ tình cảm của Hằng đối với anh Linh vẫn tràn đầy và còn hơn xưa. Anh Linh đối với Hằng cũng vậy. Đến nỗi có người nói đùa với Hằng: "Bà làm gì mà để ông Linh thương bà dữ vậy?" Những lúc Hằng gặp chuyện vui, chuyện buồn, những khi phải quyết định những chuyện lớn lao trong đời, Hằng cũng đều tâm sự, hỏi ý kiến anh Linh. Hằng luôn coi anh Linh như một người anh, một chỗ dựa tinh thần.

VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP

Tính anh Linh nóng nảy, lúc giỡn thì giỡn ra trò, nhưng lúc nghiêm "hình sự" thì đứa em nào cũng thấy rét. Hằng sợ nhất là lúc Hằng cùng anh Linh, Tài Linh...đi lưu diễn ở Úc. Trong những chuyến đi lưu diễn nước ngoài có anh Linh, ảnh đều ra một nguyên tắc bất di bất dịch cho những diễn viên đàn em như Hằng - Đi chơi đâu thì đi nhưng phải về nhà trước mười hai giờ đêm. Anh không muốn có sự bất trắc, sơ sẩy nào đến với anh em trong đoàn. Có người vì thế cho rằng anh Linh muốn "quản lý" các cô đào. Hằng biết tính ảnh làm thế chỉ vì xuất phát từ trách nhiệm thương yêu lo lắng cho những diễn viên anh nhận làm em. Đêm ở Úc, Hằng đi chơi với một người bạn - bây giờ là ông xã của Hằng - đến gần hai giờ sáng. Vừa về đến nhà, Tài Linh mở cửa cho Hằng, nói nhỏ: "Coi chừng ông Linh, ổng đang giận, thức đợi Hằng về đó." Hằng vào nhà, miệng cười biết lỗi mà trong bụng như đánh lô tô khi thấy mặt anh Linh hình sự. Anh Linh xáng cho Hằng cái bạt tay. Hằng không giận mà rất thương ảnh. Hằng biết anh Linh sợ Hằng sa ngã, khổ thêm một lần nữa.

Kể lại chuyện này, Hằng chỉ muốn mọi người hiểu thêm về anh Linh - một người anh Hằng luôn ngưỡng mộ.


NS NGỌC ĐÁNG: NHẬN XÉT VỀ VŨ LINH 

VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP
- Hỏi: "Nhớ về những người thầy đã nâng đỡ mình trong nghề nghiệp, Nghệ Sĩ Vũ Linh thường nhắc tới "thầy" Ngọc Đáng. Cô đã truyền nghề cho Vũ Linh trong trường hợp nào? Và ngoài anh Vũ Linh còn có Nghệ Sĩ nào khác nữa không?"
- Chị em trong một đoàn, thấy mặt nào yếu thì giúp đỡ lẫn nhau, chớ nói "truyền nghề" nghe to tát quá. Hồi đó chị với Linh cùng làm đoàn Lâm Đồng. Linh chưa quen với vũ đạo tuồng cổ nên hễ vai nào có múa thì Linh "réo" chị. Linh sáng dạ nên xem chị diễn qua một lượt là nhớ hết. Cái đó là do công của cậu ấy đó chớ.

{[['']]}

VŨ LINH TRONG MẮT ĐỒNG NGHIỆP (Phần 1)

VŨ LINH TRONG MẮT CÁC CÔ ĐÀO


Chuyện về Vũ Linh người ta đã nói quá nhiều. Những lời nói thật, những lời thêu dệt cũng có. Tất cả cũng chỉ vì sức tỏa sáng mãnh liệt của Vũ Linh. Năm nay Vũ Linh đã bước qua tuổi bốn mươi. Cái tuổi người ta bất đầu nhìn lại mình. Có cảm giác thời gian có trôi nhanh thì niềm mê đắm của khán giả dành cho Vũ Linh như bao năm qua vẫn chẳng hề phai. Trong ngày đầu xuân, tôi vẫn muốn biết một chân dung Vũ Linh trong mắt nhìn của các cô đào đã từng diễn chung với Vũ Linh. Các cô đào nghĩ gì về Vũ Linh trên sân khấu và con người thật của Vũ Linh ở ngoài đời? Có khi nào tình cảm bạn diễn lại đi xa hơn… Tôi đã nghe nhiều người nói Vux Linh sống rất tình cảm, luôn chăm sóc lo lắng cho các cô em gái của mình. Và tôi cũng nghe nhiều lời đồn đại Vũ Linh rất nghiêm khắc luôn để mắt “quản lý” các cô đào. Nếu như có sự hiểu lầm nào giữa anh và cô đào nào đó thì ngay lập tức anh cũng từ chối đóng chung với cô đào ấy, có khi cả năm anh không cộng tác. Tất nhiên đó chỉ là những lời đồn đại, những “hiện tượng” thấy được trên bề nổi. Còn thực hư ra sao, mời bạn đọc theo dõi tâm tình của các cô đào.

VŨ LINH TRONG MẮT CÁC CÔ ĐÀO

Mỹ Châu: "Vũ Linh có sức hút như nam châm"



Trong đời người nghệ sĩ, tìm được người bạn diễn hợp ý rất quan trọng. Vũ Linh về tuổi nghề, tuổi đời đều nhỏ hơn tôi. Trên sàn diễn tôi với Vũ Linh đã diễn chung những vở: "Phàn Lê Huê phá ngũ long trận", "Nặng gánh giang san", "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ",... Diễn chung không bao lâu nhưng có thể nói những nghệ sĩ trẻ tôi đã diễn chung bên tuồng cổ sau giải phóng, Vũ Linh là người bạn diễn hợp ý nhất. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà với cô đào nào diễn chung với Vũ Linh cũng cảm thấy rất thoải mái. Vũ Linh là một nghệ sĩ quá đỗi thông minh, nhạy bén trên sân khấu. Ngay cả những đoạn hát đột xuất không tập dợt trước, Vũ Linh ra sân khấu vẫn xử lý quãng hát với bạn diễn hết sức nhanh nhạy. Một tính cách ở Vũ Linh tôi rất mến đó là tính nghiêm túc trong nghệ thuật


VŨ LINH TRONG MẮT CÁC CÔ ĐÀO

Có thể nói, Vũ Linh là người bạn diễn hợp ý nhất trong những nghệ sỹ trẻ tôi đã diễn chung bên tuồng cổ sau giải phóng. Vũ linh là một nghệ sỹ quá đỗi thông minh, nhạy bén sân khấu. Một tính cách ở Vũ Linh tôi rất mến đó là tính nghiêm túc trong nghệ thuật trong khi tập cũng như khi bước ra sân khấu. Đôi khi sự nghiêm túc trở thành sự khắt khe khi Vũ Linh luôn đòi hỏi sự tập trung cao ở những bạn diễn khác. Và tôi đã nghe không ít những lời bàn tán về cái tính khó khăn của Vũ Linh. Theo tôi nếu sân khấu không trở lại tính nghiêm túc thật sự, mỗi người diễn viên không khắt khe với chính mình thì khán giả sẽ vẫn cứ mãi quay lưng với sàn diễn.

Vũ Linh có cái rất “ngộ”, người trong nghề mới thấy, đó là giọng ca của Vũ Linh. Giọng ca chưa phải xuất sắc nhưng âm giọng rất đặc biệt, rất ngọt, riêng biệt của riêng Vũ Linh. Thường thì kép hay ca dãy xề hò sầu. Nhiều người khi ca lên cao hơi dễ bị phá, nên ca phải rống lên. Vũ Linh lại khác, Linh sử dụng hơi ca dây thường hò năm. Nhưng khi ca dây cao, Vũ Linh lại ca lòn hơi xuống rất độc đáo như vậy. Không phải ai cũng biết sử dụng được làn hơi đó.

Tôi thích nhất Vũ Linh trong vai Nguyễn Địa Lô, tiếc là tôi không được xem Vũ Linh diễn vai này trong đêm đăng quang giải Xuất sắc Trần Hữu Trang, tôi chỉ được xem qua băng video. Đúng là Vũ Linh đã diễn xuất thần, rất có ấn tượng.

Lý giải về sức hút của Vũ Linh có thời từng được xem là hiện tượng Vũ Linh, theo tôi mỗi người có một cách nhìn nhận. Ngày xưa mỗi đoàn có một sắc thái, có khán giả riêng. Chẳng hạn khán giả thích xem tuồng Hồ Quảng đến đoàn Minh Tơ, xem tuồng  hương sa kiếm hiệp đến đoàn Kim Chung, xem tuồng xã hội đến đoàn Hương Mùa Thu,… Bây giừ đoàn hát không có phong cách riêng. Khán giả bây giờ tập trung không phân lập như ngày trước nên có ai mộ Vũ Linh quá đỗi, nồng nhiệt như một hiện tượng cũng đương nhiên thôi. Thực sự Vũ Linh rất có sức hút. Một sức hút khó lòng chống cưỡng được cho dù người khó tính đến mấy. Sức hút trong nghề người ta thường ví như nam châm. Một nghệ sĩ ca hay, diễn giỏi và đẹp.



Nói nhiều về Vũ Linh cũng chỉ bằng thừa. Tôi chỉ mong, Vũ Linh luôn cố gắng giữ được sức hút thanh xuân nồng nhiệt trong bản ngã nghệ sỹ của mình.


VŨ LINH TRONG MẮT CÁC CÔ ĐÀO

(Ti Ti Yến ghi)


Báo SK Xuân Mậu Dần 1998
{[['']]}

News_Ký ức Thanh Sang 5: 'Đói cũng đừng bỏ cải lương!'

Hồi Ký Thanh Sang 5: 'Đói cũng đừng bỏ cải lương!'

 

Khi ngồi lục lại ký ức để viết hồi ký, NSƯT Thanh Sang cũng bồi hồi nhớ một giai đoạn thăng trầm của cải lương. Có lúc rực rỡ huy hoàng, cũng có lúc khủng hoảng ghê gớm và đời nghệ sĩ của ông cũng lên xuống với nghiệp tổ…



NSƯT Thanh Sang vai Trần Minh - Linh Huyền vai Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa - Ảnh: H.K


*“Chiến đấu” với phim Hồng Kông


Khoảng 1968 đến 1970-1972, chiến tranh lan tràn trên dải đất miền Trung, cải lương cũng bị thương tổn rất lớn. Bởi miền Trung là đất sống của cải lương không thua gì miền Nam. Các đoàn thường kéo ra miền Trung biểu diễn khi miền Nam vào mùa mưa. Khán giả miền Trung mê cải lương cho đến tận bây giờ. Nhưng “mùa hè đỏ lửa” ấy đã khiến họ tan tác vì sống chết, mưu sinh, ai còn tâm trí đi coi cải lương. Bởi thế các đoàn án binh bất động, hoặc loay hoay ở phía nam.

Mà phía nam lúc này đang bị làn sóng phim Hồng Kông chiếm lĩnh, khán giả mê mẩn với một trào lưu nghệ thuật mới mẻ, trút tiền đi xem phim, dĩ nhiên cải lương đìu hiu thêm nữa. Nội công ngoại kích, các đoàn nhỏ đoàn tỉnh rã gánh liên tục. Còn lại một số khác thì chỉ còn hát đình hát miếu, hát chợ, hát sân banh... Che bạt mà hát. Dã chiến mà hát. Một số đoàn lớn mới bám trụ được ở các rạp nổi tiếng. Nhưng khổ, các rạp giờ cũng trưng dụng để chiếu phim, ngay cả rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng mà bà bầu Thơ thường hợp đồng cũng nhường đất cho phim ảnh. Cải lương chỉ còn bám víu vào rạp Hưng Đạo, Quốc Thanh, Thủ Đô…

Nghệ sĩ tan tác như gà con lạc mẹ nhưng kiên quyết không bỏ nghề, rã gánh thì đi tìm gánh khác nhập vô. Loay hoay thì cuối cùng vẫn ăn cơm tổ. Thanh Sang lúc đó đang hát cho đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân, thường đóng vai nhì, chứ vai chánh đã có Bạch Tuyết, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Thành Được. Lâu lâu ông cũng đóng chánh một lần. Nhưng danh tiếng của huy chương vàng Thanh Tâm vai Tạ Tốn thì vẫn còn sáng rực.

*Phục hồi rực rỡ


Vài năm sau, người ta xem phim Hồng Kông mãi cũng chán, thế là quay lại với cải lương. Nghệ sĩ tên tuổi vẫn còn hoạt động nên khi cải lương phục hồi thì rất nhanh rất dễ. Thậm chí nhà đầu tư còn mở thêm rạp mới như Thăng Long (đường Cống Quỳnh), Đại Đồng (đường Cao Thắng), Kim Châu (đường Nguyễn Thái Bình), Đại Nam (đường Trần Hưng Đạo). Các rạp này nằm ngay mặt tiền của khu trung tâm nên khán giả kéo tới nườm nượp. Cải lương mang một diện mạo sáng sủa hẳn ra.

Thanh Nga và Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh
Nhưng khó khăn thời chiến vẫn còn kéo dài chưa hết. Chính quyền Sài Gòn ra lệnh giới nghiêm từ 10 giờ rưỡi tối, ai ra đường là bị xét hỏi lôi thôi. Vậy thì làm sao khán giả đi coi cải lương được thoải mái. Cải lương thường bắt đầu từ 8 giờ, tuồng nào cũng dài xêm xêm 3 tiếng đồng hồ, hát xong vãn tuồng đã 11 giờ, còn đi xe về nhà nữa, quá giờ giới nghiêm là cái chắc. Phải tính sao cho người ta vẫn chịu mua vé chứ. Thế là mấy đoàn hát đôn giờ lên, 7 giờ rưỡi mở màn, và cắt bớt tuồng tích cho ngắn gọn. Kể cũng tiếc, vì cải lương là phải nghe ca mới đã, giờ bắt đào kép bớt ca thì họ ấm ức mà khán giả cũng khó chịu. Nhưng bắt buộc phải làm như thế để tồn tại. Cũng may, các tác giả đều viết được những tuồng hay nên dù có cắt bớt vẫn thấy hay. Chẳng hạn Tuyệt tình ca, Tiếng hạc trong trăng, Cô gái Đồ Long, Tần Nương Thất... Khán giả nhiều người coi cả chục lần, riết họ thuộc lòng chi tiết, bài bản, cắt đoạn nào, bài nào là họ biết liền, nhưng rồi phải thông cảm cho cải lương thôi chứ biết sao.

Cầm cự với chiến tranh như thế, cho đến ngày 30.4.1975 thì miền Nam giải phóng. Thật sự giai đoạn này mới là lúc cải lương rực rỡ hơn bao giờ hết. Dù là các ông bà bầu phải đem gánh hát của mình vô đăng ký với nhà nước để trở thành đơn vị cải lương tập thể bên cạnh những đơn vị cải lương “quốc doanh” như Nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng lực lượng đào kép lại rất hùng hậu và tuồng tích nghiêm túc chuẩn mực, khán giả mua vé muốn bể rạp, thậm chí vé chợ đen hoạt động tưng bừng. Bởi có đến 3 lực lượng nghệ sĩ cùng phối hợp nhau biều diễn, một là nghệ sĩ tại Sài Gòn, hai là nghệ sĩ từ trong chiến khu ra, ba là nghệ sĩ tập kết ra Bắc nay trở về. Bao nhiêu đoàn nổi tiếng như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Phước Chung, Văn công TP.HCM, Thanh Nga, Huỳnh Long… với các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Dương Vân Nga, Nàng Xê Đa, Ngao Sò Ốc Hến, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Người ven đô… gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem mãi tận bây giờ. Thanh Sang bồi hồi: “Hồi mới giải phóng tuy lãnh lương theo kiểu bao cấp, nghệ sĩ chúng tôi không giàu có như trước, nhưng hát rất vui vì khán giả đông lắm, nghe từng lời từng chữ. Bây giờ cuộc sống thoải mái hơn nhưng khán giả lại ít đến rạp, có lẽ do họ có quá nhiều thú vui, như phim ảnh, internet. Chỉ khi nào làm một chương trình như gia đình Bảo Quốc đã làm, với Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài danh cùng một lúc thì người ta mới chịu mua vé”.

*“Tổ không phụ người làm nghề tử tế đâu”


Thanh Sang biết cuộc sống mỗi ngày mỗi thay đổi, và bây giờ cải lương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khán giả trung thành với cải lương, không bỏ cải lương. Vậy thì nghệ sĩ cũng nên cố gắng giữ lấy cái nghề, bởi dường như đó đã là cái nghiệp mà tổ cho mình, tổ chọn mình, thì mình ráng mà đi cho trọn con đường. Ông nói: “Thời nào mà không có người đói. Hồi đó tôi lưu lạc ở Sài Gòn, gánh cũ thì rã, gánh mới không nhận, muốn về quê thì túi không tiền, mà bụng đói muốn xỉu. Tôi lân la đến mấy quán ăn, xin vô rửa chén không công, chỉ cần họ cho ngày mấy bữa cơm là được rồi. Mà không phải ăn cơm trong nồi múc ra đâu, mà là cơm của khách ăn thừa. Cầm cự như vậy để chờ cơ hội được hát trở lại. Nói như thế để các em các cháu sau này có đi theo cải lương thì ráng bền lòng vững chí. Nghề nào mới vô cũng có thử thách, nhưng mình cố chung thủy với nghề, làm nghề tử tế thì tôi tin tổ nghiệp không phụ mình đâu. Nhưng nếu các em có kẻ bỏ nghề thì thực sự tôi cũng thông cảm. Mình không dám lấy mình làm cột mốc rồi bắt mấy em giống mình. Chỉ dám khuyên mấy em ráng chịu đựng buổi đầu”.

Hỏi ông yên tâm về thế hệ trẻ hay không, ông nói: “Yên tâm. Các em bây giờ chịu học hỏi, diễn tốt đó chứ. Thế hệ của chúng tôi chủ yếu giọng ca, nhưng thế hệ bây giờ có học diễn xuất nên diễn rất tốt. Chỉ có điều phát âm còn chưa chuẩn, có khi cố tình nói điệu đà để chứng tỏ ta đây “sang trọng”, làm mất sự trong sáng, giản dị của cải lương. Giọng miền Nam phải ra miền Nam chứ. Trừ khi là người Bắc ca vọng cổ thì không ai bắt lỗi, đằng này người Nam bộ mà phát âm cứ như vùng nào”.
Nhưng tại sao ông lại yên tâm về lớp trẻ trong khi khán giả hình như cứ nuối tiếc “thế hệ vàng” của ông cùng Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Út Trà Ôn, Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Tuấn, Minh Cảnh, Phương Quang, Diệp Lang, Hồng Nga, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Hoài Thanh, Ngọc Bích… Ông trầm ngâm: “Chắc tại khán giả quen rồi. Bỏ một thói quen không phải dễ. Nhất là những giọng ca ấy đã theo khán giả suốt mấy chục năm, trở thành thân thuộc. Nhưng tôi mong khán giả hãy thử làm quen với thế hệ trẻ, hãy chấp nhận họ. Bởi họ chính là người kế thừa thế hệ chúng tôi giữ cho cải lương tồn tại và phát triển. Họ có cái hay riêng bù vào chỗ yếu hơn so với chúng tôi. Thực sự nhiều nghệ sĩ có lượng fan đông đảo lắm chứ”. Chính vì vậy mà ông vẫn đi hát chung với nghệ sĩ trẻ như một cây cầu bắc từ thế hệ này sang thế hệ khác, mong sân khấu sẽ được truyền lửa mãi mãi.

*Đường gươm Nguyên Bá nặng nỗi niềm


Bìa CD vở Đường gươm Nguyên Bá

Điều mà Thanh Sang đang mong ước là có thể diễn lại những vở hay ngày xưa như Đường gươm Nguyên Bá. Ông ước ao có ai đó bỏ tiền dàn dựng vở này để ông được đóng vai nhà vua. Ông thích Đường gươm Nguyên Bá bởi tính triết lý sâu sắc ẩn trong đó, và nhất là trong nhân vật nhà vua Thanh Sang ít di chuyển, ít vũ đạo, ông sẽ đỡ mệt, đỡ nguy hiểm cho sức khỏe. Ông cười tiết lộ bí mật: “Tôi bệnh nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về vở này, tự sắp xếp chọn lựa đào kép thử xem có ai phù hợp các vai như xưa. Vai Nguyên Bá thì Minh Vương không biết có đóng nổi hay không, vì thượng tướng mà, cứ phải đánh kiếm oai hùng. Vai thái tử Ngũ Châu và nàng Thủy Cúc thì Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ thừa sức khỏe để đóng, nhưng tuổi tác quá chênh lệch so với nhân vật. Mà hai vai này lại quá hay, tôi tìm mãi không ra cặp đào kép nào để đóng cho hợp. Ngẫm nghĩ rồi sinh ra buồn, thèm gặp lại ê kíp ngày xưa diễn với nhau thật ưng ý. Nay người nào cũng già yếu, qua thời xuân sắc, biết có còn gặp lại trên cùng sàn diễn nữa không?...”.

Ông hoài niệm về vở này nhiều lắm, nhưng không có gan bỏ tiền ra “làm bầu”. Ông lắc đầu: “Không ai dàn dựng thì tôi đành bỏ cuộc chứ tôi biết mình không giỏi mấy vụ tính toán, quản lý, mệt lắm, không hợp với bản chất của tôi, thà đừng dính vô”. Thôi thì chờ đợi, xem ai có thể giúp Thanh Sang toại nguyện.
Hoàng Kim


Xem Tiếp
{[['']]}

YOUTUBE

LIKE FACEBOOK

Video Đề xuất

 
Support : Creating Website | Ngọc Hậu | Cải Lương
Copyright © 2016. CẢI LƯƠNG - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Ngọc Hậu
Proudly powered by fancailuong